Hạ tầng hàng không: Hứa hẹn hấp dẫn nhà đầu tư

Hạ tầng hàng không: Hứa hẹn hấp dẫn nhà đầu tư

Hai hãng hàng không cùng lúc đề xuất mua, chuyển quyền khai thác nhà ga T1 Nội Bài, Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) thúc bán 100% cảng hàng không (CHK) Phú Quốc ngay trong năm 2015… là những thông tin bất ngờ khiến giới đầu tư xôn xao. Từ một lĩnh vực vốn được coi là cấm địa đối với các nhà đầu tư bên ngoài,  cánh cửa đầu tư vào hạ tầng hàng không bỗng chốc được mở ra đầy hứa hẹn nhưng cũng không ít quan ngại.

Xu hướng tất yếu

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), cho biết hiện ngành hàng không dân dụng đang khai thác 21 CHK, sân bay, trong đó có 7 CHK quốc tế (Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Cần Thơ), còn lại là 14 CHK nội địa.  Nhận xét về hạ tầng hàng không hiện có, ông Thanh cho rằng các CHK, sân bay của Việt Nam cơ bản đều được quy hoạch phát triển trên cơ sở các sân bay có từ thời Pháp thuộc và chế độ Sài Gòn cũ, chỉ duy nhất CHK Phú Quốc được quy hoạch vị trí mới. Trong khi đó, tổng năng lực thông qua tại các CHK liên tục tăng, từ mức 6 triệu hành khách năm 2000 đã nâng lên 52 triệu hành khách vào năm 2012 và đến nay ước đạt gần 70 triệu lượt hành khách/năm.

Số lượng hành khách thông qua các CHK trong các năm luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, trung bình gần 15%, trong đó một số CHK nội địa đạt tốc độ tăng trưởng trên 20%. Mặc dù một số CHK đã được nâng cấp, mở rộng nhưng với tốc độ tăng trưởng hiện nay, các nhà ga này vẫn đang đứng trước nguy cơ mãn tải sớm.

Sân bay thiếu chỗ đậu, thiếu đường lăn, thiếu băng tải trả hành lý, khu vực làm thủ tục hàng không, phòng chờ chật chội… là những nguyên nhân quan trọng góp phần vào  tình trạng chậm, hủy chuyến gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.

 

Vietjet hiện đang khai thác khoảng 150 chuyến bay mỗi ngày, nếu được giao quyền khai thác nhà ga, chúng tôi sẽ chủ động hơn trong kế hoạch phát triển, đáp ứng nhu cầu vận chuyển của thị trường. Các dịch vụ dành cho hành khách tại nhà ga chắc chắn sẽ được nâng cao khi chúng tôi chủ động có mặt bằng để đầu tư. Bên cạnh đó, khi quản lý khoa học và đồng bộ sẽ tăng được khả năng khai thác, hạn chế tắc nghẽn, giảm tỷ lệ chậm chuyến.

Ông Vũ Phạm Nguyên Tùng,
Giám đốc phát triển dự án CTCP Hàng không Vietjet

 

Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Hãng Hàng không Quốc gia (Vietnam Airlines), nói với tình trạng quá tải tại các CHK hiện nay, các hãng có muốn tăng tải, tăng chuyến phục vụ hành khách cũng rất khó khăn. Điểm đặc biệt nhất của hệ thống sân bay CHK Việt Nam là tất cả đều có hoạt động bay quân sự, đó là lý do lâu nay hạ tầng hàng không được coi là “cấm địa” đối với việc xã hội hóa đầu tư.

Tuy nhiên, theo Quy hoạch phát triển GTVT  hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đến năm 2020 sẽ có thêm 5 CHK mới được đưa vào khai thác, sử dụng; 3 CHK được nâng cấp thành CHK quốc tế; công suất, năng lực khai thác của toàn mạng CHK sẽ được nâng lên 4 lần vào năm 2020 và khoảng 6-7 lần vào năm 2030, cho thấy nhu cầu đầu tư vào hạ tầng hàng không rất lớn. Với ngân sách dành cho đầu tư hạ tầng giao thông hạn hẹp như hiện nay, việc xã hội hóa đầu tư là con đường tất yếu.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đã xác định xã hội hóa hạ tầng giao thông nói chung là yêu cầu bắt buộc, không thể trông chờ vào vốn ngân sách, trái phiếu chính phủ. Từ cách đây vài năm, việc xã hội hóa hạ tầng giao thông trong lĩnh vực đường bộ đã được đẩy mạnh với con số ấn tượng là huy động 178.000 tỷ đồng ngoài ngân sách cho các dự án cao tốc.

Tuy nhiên, với lĩnh vực hàng không, phải đến cuối năm 2014, đầu năm 2015, việc xã hội hóa đầu tư hạ tầng mới được đặt ra một cách nghiêm túc, rốt ráo.

Trong một cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Thăng đã mạnh mẽ khẳng định: “Lĩnh vực hàng không còn nhiều dư địa để phát triển, chỉ số hành khách trên dân số hiện nay mới được 1/3, trong khi của Hoa Kỳ là 3 lần, Singapore 10 lần. Tiềm năng của hàng không còn rất lớn, sức hấp dẫn cũng rất lớn. Chúng ta hoàn toàn có thể tiếp tục thu hút mạnh mẽ để phát triển hàng không”.

Tư nhân làm được để tư nhân làm!

Theo các chuyên gia lĩnh vực hàng không, hiện nhiều nước chỉ chi tiền ngân sách vào việc giải phóng mặt bằng, tái định cư, còn những hạng mục có thể sinh lợi nhuận cho phép các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư, tư nhân hóa hoặc nhượng quyền khai thác.

Tất cả hạng mục,  từ việc đầu tư nhà ga cho đến dịch vụ bán hàng, check in - check out có thể xã hội hóa được, trừ những dịch vụ an ninh. Trên thế giới, các nước có ngành hàng không phát triển như Australia, Philippines, Ấn Độ và nhiều nước Mỹ Latin đều đã triển khai theo hình thức này.

 

Trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ hiện nay, hàng không là phương thức vận tải tối ưu. Nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội càng lớn, đột phá về hạ tầng hàng không càng trở nên cần thiết. Và khi nguồn lực nhà nước còn hạn chế, phải dành ngân sách tập trung vào các công trình thiết yếu, quan trọng, việc huy động vốn từ các nguồn xã hội hóa là lựa chọn tối ưu.

Ông Vũ Anh Minh
Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp Bộ GTVT

 

Đại diện Vietjet, hãng hàng không đang có nhu cầu chuyển nhượng quyền khai thác nhà ga T1, chia sẻ nếu bỏ tiền vào T1, doanh nghiệp sẽ vừa có được nhà ga để phục vụ trực tiếp cho hoạt động của mình, đồng thời thu được lợi nhuận từ việc khai thác hạ tầng. Cũng theo Vietjet, Việt Nam hiện đang có những CHK hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong giai đoạn này là Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc, Liên Khương, Phú Bài, Vân Đồn, Vinh…

Đây là những CHK đặt tại các địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao, lượng khách du lịch tăng trưởng mạnh. Do suất đầu tư vào các CHK lớn, nếu chia hạng mục như đường cất - hạ cánh, sân đậu, nhà ga hành khách, cơ sở bảo dưỡng, dịch vụ khách sạn, giải trí… hoàn toàn có thể thu hút các nhà đầu tư.

Thông tin từ Cục HKVN cũng cho biết một nhà đầu tư lớn đã sẵn sàng bỏ vốn xây dựng sân bay Phan Thiết. CHK Phú Quốc cũng đang có nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm.  Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu rõ quan điểm : “Tất cả những gì tư nhân làm được để tư nhân làm.

Tổng công ty Cảng hàng không (ACV), các đơn vị khác chỉ làm những cái tư nhân không làm được hoặc tư nhân không được quyền chi phối. Không có công trình nào không thể xã hội hóa được. Vấn đề là bàn làm cách nào, cần thể chế chính sách gì để tiếp tục kêu gọi mạnh mẽ hơn đầu tư cho hàng không”.

Ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐTV ACV, cho biết theo chỉ đạo của Bộ GTVT, hiện ACV đang thực hiện quyết liệt cổ phần hóa và trong quý II  năm nay phải xong. Bên cạnh đó, ACV cũng đang bắt tay xây dựng phương án thí điểm bán 100% vốn sân bay Phú Quốc và chuyển nhượng quyền khai thác một số sân bay, cũng như liên doanh để đầu tư mới, cụ thể thí điểm bán dứt điểm sảnh E, nhà ga T1 sân bay Nội Bài. 

Trước đề xuất của các hãng hàng không cùng quan tâm đến nhà ga T1, ACV sẽ xây dựng phương án đấu thầu, nhà thầu nào đáp ứng được tiêu chí đề ra với giá bán hợp lý nhất sẽ được chấp thuận.

Nhượng quyền khai thác và đấu giá

Để đẩy nhanh tốc độ xã hội hóa hạ tầng hàng không, ông Lại Xuân Thanh cho biết từ nay đến năm 2016 sẽ cơ bản hoàn thành công tác sửa đổi, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý, khuyến khích, kêu gọi xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không.

Vấn đề quan tâm nhất đối với các nhà đầu tư hiện nay là phương pháp định giá các công trình hạ tầng hàng không được thực hiện như thế nào, có những khác biệt gì đối với các doanh nghiệp muốn đầu tư hạ tầng hàng không so với các lĩnh vực khác; hiệu quả hoạt động khai thác của các sân bay hiện nay; những yếu tố liên quan đến quốc phòng, an ninh ảnh hưởng đến hoạt động khai thác sân bay ra sao… 

Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết sẽ còn phải tiếp tục nghiên cứu kỹ càng, tùy thuộc vào yếu tố khai thác cũng như các quy định hiện hành, tuy nhiên sẽ sớm đưa ra phương pháp định giá để các nhà đầu tư xem xét, quyết định đầu tư kịp thời.

Trong tháng 3, Cục HKVN sẽ thông qua danh mục kêu gọi đầu tư, kinh doanh để nhà đầu tư tham khảo. Căn cứ trên thực tế quan tâm nhu cầu của nhà đầu tư, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục bàn thảo với nhà đầu tư để đi đến những thống nhất. Nguyên tắc chung sẽ là nhượng quyền khai thác hoặc mua lại toàn bộ tài sản CHK, hạ tầng.

Trong trường hợp có nhiều nhà đầu tư cùng quan tâm, có thể có nhiều hình thức cùng liên doanh đầu tư hoặc đấu giá. Ngoài ra, việc xã hội hóa trong đầu tư toàn bộ các sân bay sẽ làm trên cơ sở thành lập các công ty cổ phần, bao gồm các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước để tham gia đầu tư và lợi nhuận chia theo tỷ lệ cổ phần đầu tư.

 

 

Vietjet đang có nhu cầu chuyển nhượng quyền khai thác nhà ga T1 Nội Bài.

 

Theo Đề án “Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không” vừa được Bộ trưởng Đinh La Thăng phê duyệt, ước tính nhu cầu vốn dành cho lĩnh vực này lên tới 230.215 tỷ đồng cho giai đoạn 2015-2020. Đề án dự kiến khả năng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ 30.724 tỷ đồng (13,3%); nguồn vốn xã hội hóa từ doanh nghiệp 23.968 tỷ đồng (10,1%); nguồn vốn ODA 60.541 tỷ đồng (26,4%); vay thương mại 4.615 tỷ đồng (1,7%); phần còn lại (110.367 tỷ đồng) dự kiến huy động nguồn vốn góp cổ phần và hợp tác, công tư (48,4%).

Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định Bộ GTVT luôn chào đón các nhà đầu tư muốn được nhượng quyền khai thác hoặc xây dựng mới CHK, nhưng phải phù hợp với điều kiện khai thác thực tế hiện nay khi thực hiện nhượng quyền. Tuy nhiên thế nào là phù hợp với điều kiện khai thác vẫn đang còn khá mông lung đối với các nhà đầu tư ngoài ngành.

Viết bình luận

Bạn đã gửi bình luận thành công. Xin cảm ơn!