PHÚ QUỐC CHÍNH THỨC TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ BIỂN ĐẢO ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM

 

    Phú Quốc lên Thành phố: Cần những "con đại bàng quốc tịch Việt Nam" như Vingroup, Sun Group đến làm tổ và dựng nghiệp

    Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động chào mừng Phú Quốc trở thành thành phố (TP) biển đảo đầu tiên của Việt Nam, ngày 10/01/2021, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang phối hợp với Tập đoàn Sun Group đã tổ chức hội thảo "Phú Quốc: Đón vận hội – Dẫn lối thành công".

    Tham dự hội thảo có lãnh đạo UBND, Sở Du lịch, các Sở, Ban, Ngành tỉnh Kiên Giang, lãnh đạo TP Phú Quốc, các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực kinh tế, bất động sản (BĐS) cùng đông đảo doanh nghiệp.

    Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - Nguyễn Lưu Trung ghi nhận sự quan tâm và những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua. Trân trọng và đánh giá cao sự đóng góp của Tập đoàn Sun Group đối với địa phương cũng như ý nghĩa mang lại của Hội thảo.

    "Tỉnh Kiên Giang kỳ vọng các tham luận, các ý kiến tọa đàm của các chuyên gia , doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông sẽ giúp cho Tỉnh tiếp tục xây dựng và hoàn thiện kế hoạch, lộ trình phát triển cũng như nghiên cứu, đề xuất với Trung Ương các cơ chế, chính sách nổi trội để thành phố Phú Quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ trước những vận hội mới, trong đó có việc đón đầu, định hướng cho phát triển bất động sản gắn với du lịch nghỉ dưỡng, để thành phố Phú Quốc thật sự trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm của khu vực phía Nam và cả nước, trung tâm nghỉ dưỡng chất lượng cao mang tầm cỡ quốc tế; đặc biệt từng bước xây dựng Phú Quốc trở thành thành phố kiểu mẫu về phát triển kinh tế, du lịch, bảo vệ môi trường, thân thiện và an toàn", ông Nguyễn Lưu Trung nói.

    Phú Quốc lên Thành phố: Cần những con đại bàng quốc tịch Việt Nam như Vingroup, Sun Group đến làm tổ và dựng nghiệp - Ảnh 1.

    KTS Hồ Thiệu Trị - đại diện đơn vị đảm nhiệm vai trò quy hoạch Nam Phú Quốc đã đưa ra những định hướng quy hoạch phát triển cho khu vực này, tầm nhìn đến năm 2030 và 2050.

    Theo đó, Nam đảo sẽ phát triển theo mô hình thành phố cảng, lấy Cảng hàng hóa quốc tế An Thới làm động lực phát triển kinh tế; tạo các khu vực tự do thương mại quốc tế, phi thuế quan; thung lũng công nghệ cao 4.0 làm tiền đề, động lực phát triển công nghệ và thành phố thông minh. Đồng thời, tạo chuỗi các thành phố khác biệt với các tính chất riêng như thành phố khai phóng, thành phố nghệ thuật, thành phố văn hóa và lễ hội, thành phố sinh thái, thành phố thông minh, thành phố năng lượng.

    KTS Hồ Thiệu Trị nhấn mạnh, Nam đảo có lợi thế tạo lập chuỗi các resort nghỉ dưỡng với tính chất khác biệt, như khu đảo trong đảo siêu cao cấp, đảo Hòn Thơm với định vị trở thành một thương hiệu đảo tỷ phú. Nam Phú Quốc cũng rất phù hợp để quy hoạch trung tâm đô thị nén, mật độ cao với đa sắc thái và năng động 24/7, bên cạnh đó là một hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.

     

    Trong khi đó, dưới góc nhìn kinh tế vĩ mô, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, Phú Quốc đón nhận danh hiệu Thành phố đảo – đô thị cấp 2 với các điều kiện năng lực đã được chuẩn bị sẵn sàng, trong đó có 3 yếu tố vượt trội là không gian, hạ tầng đô thị du lịch biển đảo; hạ tầng giao thông kết nối và thu hút đầu tư.

    Nhấn mạnh không gian, hạ tầng đô thị du lịch biển đảo hiện đại đã định hình và phát triển mạnh mẽ ở Phú Quốc, PGS.TS Trần Đình Thiên nêu ví dụ điển hình về cụm đô thị phía Nam đảo gắn với hàng loạt công trình lộng lẫy và bề thế của Sun Group. Sự có mặt của các “sếu đầu đàn” như Sun Group, Vingroup … với những cam kết đầu tư và phát triển dài hạn, hướng tới đẳng cấp cao nhất, cộng với uy tín của mình, là điều kiện nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy Phú Quốc tiếp tục phát triển vượt trội trong giai đoạn tới.

    Phú Quốc lên Thành phố: Cần những con đại bàng quốc tịch Việt Nam như Vingroup, Sun Group đến làm tổ và dựng nghiệp - Ảnh 2.

    PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

    Tính đến tháng 9-2020, Phú Quốc đã thu hút 276 dự án du lịch, trên diện tích gần 10.000 ha, tổng vốn gần 347.000 tỷ đồng (17-20 tỷ USD). Hiếm có địa phương, thậm chí tỉnh có năng lực thu hút đầu tư lớn nhất, có sức hấp dẫn đầu tư trong một thời gian ngắn mạnh như Phú Quốc.

    PGS.TS Trần Đình Thiên đề nghị: “Cần định hình rõ hơn nữa hệ thống khuyến khích các doanh nghiệp đầu đàn, những “con đại bàng quốc tịch Việt Nam” đến làm tổ và dựng nghiệp ở Phú Quốc, với những cam kết mạnh mẽ và xứng tầm”.

    Tuy nhiên, ông Thiên cũng cho rằng, để phát triển Phú Quốc trong tương lai Phú Quốc cần tháo gỡ các trói buộc, thay đổi các cơ chế, chính sách chung với lộ trình đi trước cho Phú Quốc trong nỗ lực thị trường hóa, hiện đại hóa thể chế và quản trị, chứ không phải “lập giang sơn riêng”, cho Phú Quốc “một mình, một ngựa”, gây méo mó hệ điều hành quốc gia.

    Cùng với du lịch, hạ tầng đô thị, lĩnh vực BĐS cũng được các chuyên gia dự báo sẽ bứt tốc sau bước ngoặt Phú Quốc lên TP. Bà Đặng Phương Hằng – Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam khẳng định, mô hình phát triển các hệ sinh thái du lịch “tất cả trong một”, gồm 3 “chân kiềng” du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, BĐS cao cấp phù hợp với định hướng đưa Phú Quốc trở thành thành phố đáng sống, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế. Do đó, thời gian tới, phân khúc BĐS gắn với du lịch, nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục “thăng hoa” ở Phú Quốc, với dư địa phát triển dồi dào ở Nam đảo – trung tâm mới của TP biển đảo.

    Đồng thời, về mặt giao thông, Vietnam Airlines cho biết sẽ mở rộng mạng bay kết nối Phú Quốc với các tỉnh, thành phố khác của Việt Nam; phát triển các sản phẩm thuê chuyến tới Phú Quốc, đảm bảo sản phẩm từ Phú Quốc có thể nối chuyến tốt với các thị trường nguồn Châu Âu, Châu Á và Úc qua cửa ngõ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời từng bước xây dựng sân bay Phú Quốc trở thành căn cứ hàng không lớn của Việt Nam và trong khu vực.

     

    Viết bình luận

    Bạn đã gửi bình luận thành công. Xin cảm ơn!